Bạn Cần Biết, Tin trong nước, Tin Tức & Sự Kiện

Sản lượng điện từ các nguồn điện gió tăng thêm 10 tỷ kWh/năm so với báo cáo trước đây

Đây là yếu tố khá rủi ro tác động đến việc đảm bảo cung ứng điện, nếu các dự án điện gió (đa số các chủ đầu tư tư nhân) không triển khai đáp ứng theo tiến độ dự kiến.

Giai đoạn 2016 – 2020, EVN đã đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, sinh hoạt của nhân dân và tạo tiền đề đảm bảo cung ứng điện cho các năm tới. Các chỉ tiêu kết quả về quy mô công suất nguồn điện, lưới điện, các chỉ tiêu về kinh doanh, dịch vụ khách hàng,… đều đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Đảng, Chính phủ giao.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Công Thương vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh: “5 năm nữa với đà tăng trưởng này, với khả năng phát triển nguồn của chúng ta, chúng ta không thiếu điện”.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành về công tác đảm bảo điện giai đoạn 2021 – 2025, EVN đã liên tục cập nhật tình hình triển khai các dự án nguồn điện, lưới điện, nhu cầu sử dụng điện và tính toán cập nhật cân đối cung – cầu điện toàn quốc. Qua đó, đề xuất các giải pháp với Chính phủ, Quốc hội để đảm bảo mục tiêu cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội.

Giai đoạn 2021 – 2025, EVN dự báo 2 kịch bản nhu cầu phụ tải điện: 

Phương án cơ sở: tăng trưởng nhu cầu điện khoảng 8,6%/năm;

Phương án cao (với kịch bản kinh tế phục hồi mạnh sau COVID-19, đồng thời có xem xét đến khả năng có làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam): tăng trưởng 9,4%/năm. 

Theo EVN, với hai kịch bản tăng trưởng này, hệ thống đảm bảo sẽ cung ứng đủ điện trong toàn bộ giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, ở phương án phụ tải cao, để đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải, hệ thống cần huy động thêm các nguồn điện dầu với sản lượng ~4,7 tỷ kWh năm 2023 và ~3,8 tỷ kWh vào năm 2024.

Tuy đảm bảo đủ điện trong giai đoạn tới nhưng ngành Điện nói chung, EVN nói riêng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, nếu tiến độ nguồn khí Lô B, Cá Voi Xanh vào chậm, có thể gây nguy cơ thiếu điện trong năm 2025 và cả các năm sau.

Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lên nhu cầu phụ tải trong tương lai là rất khó dự báo và phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Chính sách phát triển các nguồn điện chạy khí LNG chưa được rõ ràng dẫn đến các dự án LNG cũng sẽ gặp một số khó khăn trong công tác chuẩn bị đầu tư và có nguy cơ chậm tiến độ. Tiến độ các nguồn nhiệt điện than, khí do các đơn vị BOT/IPP được giao làm Chủ đầu tư đa số đã bị chậm tiến độ so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Không chỉ có vậy, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Bổ sung quy hoạch các dự án điện gió mới với quy mô bổ sung thêm 7.000MW (vận hành trong giai đoạn 2021-2025). 

Theo đó, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn điện gió tăng thêm so với báo cáo trước đây khoảng 10 tỷ kWh/năm. Đây cũng là yếu tố khá rủi ro tác động đến việc đảm bảo cung ứng điện, nếu các dự án điện gió (đa số các chủ đầu tư tư nhân) không triển khai đáp ứng theo tiến độ dự kiến.

Để chủ động việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu của nhân dân, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan cần đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2021 – 2025; hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy tiến độ nguồn khí Lô B, Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện đồng bộ tại các Trung tâm Điện lực Ô Môn, Tuabin khí miền Trung, Trung tâm Điện lực Dung Quất; hoàn thiện cơ chế chính sách, khung pháp lý để đàm phán bộ hợp đồng đối với các dự án nguồn điện BOT. 

Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách dài hạn để phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo sau khi cơ chế giá FIT hết hiệu lực; đẩy mạnh thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Nguồn tin Cafef.vn

Related Posts