Tin trong nước, Tin Tức & Sự Kiện

Những hệ quả khi chậm ban hành Quy hoạch Điện VIII?

Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII) – cần phải được ban hành bởi đã quá chậm là khuyến nghị của cả cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các dự án nguồn và lưới điện, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế – xã hội của giai đoạn này.

Giới phân tích chỉ ra có ít nhất 5 hệ quả không thuận cho nền kinh tế khi Quy hoạch Điện 8 chậm được ban hành. Đầu tiên phải kể đến, đó là những dự án nguồn điện lớn triển khai đúng tiến độ nhưng rất khó có thể hoà vào lưới điện quốc gia đúng kế hoạch bởi thiếu sự hoàn thành đồng bộ của nhiều dự án lưới truyền tải điện do đang phải chờ Quy hoạch.

Theo bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII (Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ) hệ thống lưới điện truyền tải sẽ được đầu tư với khối lượng rất lớn. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2030, nhu cầu đầu tư mới và cải tạo vào khoảng 36.350km đường dây 500kV và 220kV và hơn 190.000MVA các trạm biến áp 500kV và 220kV. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống lưới điện truyền tải giai đoạn này vào khoảng 335.000 tỷ đồng, tương ứng nhu cầu vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng/năm.

Trên thực tế, căng thẳng nguồn cung cũng như quá tải về lưới điện ở nhiều khu vực vào các thời gian cao điểm mùa khô đã diễn ra những năm gần đây. Trong bối cảnh nhiều dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đã được đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 được cho là phá vỡ quy hoạch – đã cho thấy những chỉ báo về khó khăn trong việc huy động nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án năng lượng tái tạo thời gian tới. Đó là hệ quả để lại chung cho cả nền kinh tế – ở cả góc độ cân bằng hệ thống đến khó khăn của nhà đầu tư, những doanh nghiệp đã, đang và sẽ quan tâm vào lĩnh vực năng lượng điện.

Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz đã đưa ra khuyến nghị: “Điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam. Một cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững, Đan Mạch mong đợi Chính phủ Việt Nam sớm ban hành  khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, bắt đầu bằng việc phê duyệt Quy hoạch Điện VIII”.Đây cũng là kiến nghị của rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Và nếu để lỡ các cơ hội từ phía nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước vào lĩnh vực điện năng. 

Ngay cả những dự án nguồn điện truyền thống như nhiệt điện chạy than, dầu, khí cũng đang trong lộ trình phải chuyển đổi các nguồn nhiên liệu truyền thống sang ứng dụng nhiên liệu sạch như hydro hay chuyển đổi công nghệ cho hiệu suất cao (như việc ứng dụng các nhà máy điện khí sử dụng động cơ đốt trong (ICE) có hiệu suất cao) nhằm thực hiện lộ trình cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net-zero) cũng đang phải chờ đợi, đồng nghĩa sẽ kéo dài thời gian triển khai của các dự án.

Đó là chưa kể, những nội dung liên quan đến các chính sách, định hướng về tỉ lệ tiết kiệm năng lượng, hệ số đàn hồi điện, về các nguồn năng lượng tái tạo tích hợp năng lượng sinh khối, rồi công nghệ tích trữ năng lượng trong tương lai…

Vì thế, bản thân cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng đã rất sốt ruột, đến mức “tha thiết” đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch Điện 8.

Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nêu kiến nghị: “Chúng tôi tha thiết đề nghị sớm phê duyệt Quy hoạch Điện VIII bởi đây là cơ sở pháp lý về quy hoạch quan trọng được thực hiện để triển khai các dự án điện”. Với các dự án điện cần phải có thời gian tương đối dài thì để thực hiện – như DA lưới điện có thể chỉ cần 2-3 năm, nhưng DA nguồn điện có thể phải cần đến 5-6-7 năm.

Chính vì vậy, để có cơ sở để đảm bảo cung ứng điện cho những năm tới thì QHĐ VIII phải được duyệt. Bởi vì đối với nhiều nguồn điện, lưới điện đã có những bước thay đổi, phụ tải điện cũng đã có những thay đổi, cho nên cần phải được cập nhật, bổ sung những dự án, đặc biệt là lưới điện cung cấp điện cho miền Bắc, bởi vì tốc độ tăng trưởng phụ tải ở đây nó đã thay đổi. Và trước đây chúng ta đã có Quy hoạch Điện 7 (điều chỉnh) nhưng một số dự án lưới điện, nguồn điện chưa có và phải bổ sung vào QHĐ 8. Cho nên QHĐ 8 phải được duyệt thì các cơ sở triển khai các dự án đó…”

Là cơ quan thực hiện giám sát tổng thể quá trình triển khai Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 11/02/2020) ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh việc cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Quy hoạch Điện 8 để thúc đẩy quá trình đầu tư phát triển năng lượng quốc gia theo yêu cầu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã đề ra.

“Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ yêu cầu là trên cơ sở của Nghị quyết thì các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phải xây dựng: một là Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; thứ hai là xây dựng và ban hành sớm Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (tức là QHĐ8). Thực tiễn thì quá trình xây dựng ban hành quy Quy hoạch điện 8 cho đến nay là quá trình tương đối kéo dài.

Chúng tôi thấy rằng, trong báo cáo thời gian tới, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt thực tiễn thì chúng tôi cũng sẽ có phân tích, làm rõ được những nguyên nhân, từ thực trạng, quá trình xây dựng và ban hành để Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Công thương và các Bộ liên quan sớm trình Chính phủ ban hành Quy hoạch Điện 8, vì đây là quy hoạch rất quan trọng, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư cũng như góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” – ông Nguyễn Đức Hiển nói.

Theo tính toán, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng gió nói chung, điện gió ngoài khơi nói riêng. Với năng lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic trong những năm tới.

Tuy nhiên, để có được một dự án điện gió ngoài khơi vẫn phải cần ít nhất từ 7-8 năm. Trong dự thảo Quy hoạch Điện 8, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có khoảng 7.000 – 8.000 MW điện gió ngoài khơi đi vào vận hành. Hiện tại đã gần hết quý 1/2023. Nếu Quy hoạch Điện 8 không khẩn trương được phê duyệt thì việc triển khai e là không thể kịp./.

Nguồn tin: VOV

Related Posts