Bạn Cần Biết, Tin trong nước

Các giải pháp lắp đặt điện mặt trời hiệu quả mà không cần quan tâm tới giá mua điện từ EVN?

Theo quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/04/2020 về việc khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và hộ gia đình đầu tư lắp đặt điện năng lượng mặt trời đã làm bùng nổ thị trường đầu tư điện năng lượng mặt trời trong năm vừa qua. Theo số liệu từ nhóm các đối tác năng lượng Việt Nam thống kê được là riêng loại hình Điện mặt trời mái nhà tăng hơn 25 lần từ mức cơ bản năm 2019 là 378MWp lên 9.583MWp (bằng công suất của tất cả những hệ thống đã lắp đặt trước đó). Tỉ trọng của điện năng lượng mặt trời so với các loại nhà máy điện khác: thủy điện, nhiệt điện, điện gió…đạt xấp xỉ 25%. Hiện nay, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu vì thế mà các dự án điện năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục là xu hướng phát triển dần thay thế cho các dự án nhiệt điện sử dụng năng lượng hoá thạch.
Ai nên lắp đặt điện năng lượng mặt trời sẽ mang lại hiệu quả cao? - Ảnh 1.

Lắp đặt điện năng lượng mặt trời không cần quan tâm đến giá mua điện từ EVN mà vẫn hiệu quả!

Ngày 31/12/2020 đã qua, đồng nghĩa với hiệu lực của cơ chế khuyến khích điện mặt trời của Thủ tướng Chính phủ FIT 2 đã hết hiệu lực. Theo EVN mô hình quy mô và giá mua điện tương ứng cho từng loại hình điện mặt trời mái nhà vẫn đang được Cục điện lực và năng lượng tái tạo Bộ Công Thương nghiên cứu, dự kiến đến quý I năm 2021 báo cáo sẽ được gửi tới Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng phê duyệt về chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tiếp theo. Theo các chuyên gia dự báo, giá điện EVN mua lại từ các dự án điện mặt trời sẽ giảm so với năm 2020. Với thời điểm chưa có chính sách giá mới, việc lắp đặt công tơ hai chiều vẫn có lợi cho khách hàng có nhu cầu sử dụng nhiều thiết bị điện, tiêu thụ nhiều điện năng như là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ hay thậm chí là hộ gia đình với mục đích tự dùng, hạn chế sử dụng điện năng từ lưới và không phục vụ cho mục đích bán điện với giá ưu đãi. Các nhóm khách hàng này không cần quan tâm tới giá điện mua vào của EVN mà vẫn đầu tư hiệu quả, cắt giảm được chi phí sử dụng điện hàng tháng nếu lựa chọn giải pháp phù hợp.  

Các giải pháp lắp đặt điện mặt trời hiệu quả mà không cần quan tâm tới giá mua điện từ EVN?

Giải pháp sử dụng hệ thống ĐMT hoà lưới không lưu trữ:

Đối với doanh nghiệp sản xuất, các cơ sở kinh doanh dịch vụ và các hộ gia đình sử dụng nhiều thiết bị có công suất lớn, nhu cầu sử dụng điện cao vào ban ngày thì tính toán sao cho công suất của hệ thống điện mặt trời sản sinh ra có thể đáp ứng được vừa đủ so với nhu cầu tiêu thụ của phụ tải. Với cách này, vào ban ngày nắng nhiều sẽ tận dụng được tối đa nguồn năng lượng mặt trời để cấp điện cho các thiết bị, nếu dư thừa sẽ phát ngược lên lưới để bán lại cho EVN, tuy nhiên chỉ số phát ngược lên lưới sẽ không đáng kể nên không cần quan tâm nhiều đến giá mua lại của EVN. Vào buổi tối khi mà hệ thống điện mặt trời không phát ra điện thì sẽ tự động chuyển sang sử dụng điện lưới quốc gia, vẫn sẽ đảm bảo được cấp điện liên tục.  

Ưu điểm của việc lựa chọn giải pháp này chính là chi phí đầu tư ban đầu là thấp. Mục đích của giải pháp này là cắt giảm chỉ số điện năng ở khung giá điện bậc thang cao nên số tiền phải trả cho hoá đơn tiền điện hàng tháng sẽ giảm đi rất nhiều.

Giải pháp sử dụng hệ thống ĐMT hoà lưới có lưu trữ:

Giải pháp này cũng giống với giải pháp hệ thống hoà lưới, tuy nhiên có thêm hệ thống lưu trữ điện năng để có thể dự phòng khi mất điện. Đây là giải pháp được nhiều nhà nghiên cứu đề xuất vì có khả năng tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời và tự chủ trong nhu cầu sử dụng điện năng. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh và hộ gia đình thường xuyên sử dụng các hệ thống chính xác, cần đảm bảo cung cấp điện liên tục kể cả khi mất điện lưới thì giải pháp này sẽ được ưu tiên hơn cả.  Hệ thống ĐMT sản sinh ra điện để cấp trực tiếp cho các thiết bị điện, nếu còn dư sẽ nạp vào các bộ lưu trữ, cũng có thể cân nhắc lấy điện từ lưới để nạp cho hệ thống lưu trữ dự phòng cho ban ngày vào giờ cao điểm hoặc lúc ít nắng vì giá điện ban đêm thường rẻ hơn.

Ưu điểm của giải pháp này là tận dụng tối đa lượng điện sinh ra từ hệ thống điện mặt trời và có tính dự phòng cao thậm chí không phụ thuộc vào lưới điện nhưng cũng cần tính toán kỹ lưỡng hệ thống lưu trữ phù hợp tránh gây lãng phí và phát sinh chi phí đầu tư.

Giải pháp sử dụng hệ thống ĐMT độc lập lưu trữ:

Giải pháp này sẽ ưu tiên hơn hết cho những nơi chưa có nguồn điện lưới. Năng lượng điện mặt trời sẽ được lưu trữ thông qua bộ biến tần độc lập và ắc quy lưu trữ. Bộ biến tần sẽ biến đổi dòng điện DC từ tấm pin năng lượng mặt trời và ắc quy lưu trữ thành dạng điện năng xoay chiều và cấp cho các thiết bị tiêu thụ điện. Tuy nhiên cần lưu ý tính toán công suất hệ thống tấm pin và hệ thống lưu trữ phù hợp với công suất của các thiết bị tiêu thụ điện, vì hệ thống lưu trữ chiếm chi phí đầu tư khá cao dẫn đến chi phí đầu tư sẽ bị nâng lên.

Trong một vài năm gần đây, công nghệ sản xuất các loại pin lưu trữ đang phát triển mạnh mẽ với xu hướng lưu trữ năng lượng để con người có thể tự chủ cung cấp năng lượng dần thay thế cho những loại pin lưu trữ có sử dụng các loại axit, kim loại nặng đặc biệt là chì đe dọa ảnh hưởng đến môi trường. Những loại pin lưu trữ công nghệ mới như: Lithium (pin Li-ion, pin Li-Po), Cell pin… có hiệu năng cao, công suất lớn và giá thành cũng giảm đi đáng kể so với trước đây nên các giải pháp điện mặt trời có lưu trữ sẽ là xu hướng phát triển mạnh trong tương lai.

Related Posts