“QĐ 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/04/2020 về cơ chế khuyến khích điện Năng Lượng Mặt Trời tại Việt Nam ban hành giữa mùa dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu và chốt FIT chỉ như một cơn mưa rào để dành cho những cây đã trồng nhưng chưa được tưới.
Tại sao lại vậy? Chúng ta cùng phân tích nhé:
Đối với các dự án Farm: FIT 2 chốt giá 7.09 cent đối với các dự án được phê duyệt chủ trương trước 23/11/2019. Điều này khẳng định luôn Quyết Định này chỉ dành cho 36 hay 37 dự án ở mức giá bán điện này, trong đấy chúng ta chia ra 03 dạng:
– Đối tượng 1: Các Dự án đã triển khai và bị rớt tại FIT
– Đối tượng 2: Các Dự án đã và đang triển khai sau 30/6/2019
– Đối tượng 3: Các Dự án chờ FIT (tạm tính công suất 50 MWp) để hoàn tất các thủ tục vay vốn ngân hàng hoặc để mua bán dự án: Hoàn toàn không dành cho các dự án này, mặc dù mọi người đều nhìn thấy có 08 tháng để thực hiện từ khi có giá FIT.
+ Các Dự án và Tổ chức tín dụng khi có được giá FIT 2 sẽ lập phương án tài chính vốn vay (kể cả nhà đầu tư mua lại dự án nhưng vẫn phải huy động nguồn vốn tín dụng); hoàn tất thủ tục nhanh nhất có thể đến khi giải ngân trong vòng 02 tháng, như vậy còn lại 06 tháng.
+ 80% đến 90% Vật tư thiết bị đều là nhập khẩu. Trên nguyên tắc của nhà sản xuất tại bất kỳ quốc gia nào cũng phải có đơn đặt hàng (tức là đặt cọc) mới bắt đầu sản xuất. Thời gian sản xuất đến khi giao hàng CIF trung bình các loại vật tư, thiết bị trong vòng 04 tháng (xét điều kiện bình thường, chưa xét đến tình hình chung dịch bệnh Covid-19 và đủ thời gian lựa chọn nhà thầu EPC, làm hạ tầng), như vậy còn 02 tháng.
+ Thời gian thi công có thể làm được nhanh nhất tại Việt Nam trong FIT 1 với điều kiện bình thường và phải là nhà thầu có năng lực thật sự là 88 ngày (dự án điện mặt trời Hồng Phong 4 của Tập đoàn Hà Đô tại Bình Thuận. Thực hiện dự án chính là Công ty Cổ phần Điện Sài Gòn Gia Định). Âm 28 ngày.
+ Quy trình, thử nghiệm, nghiệm thu, chạy thử đến khi vận hành thương mại khoảng 02 tháng (khác với FIT 1 EVN tạo điều kiện cho nợ một số hạng mục thử nghiệm). Âm 88 ngày.
Kết luận: QĐ 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/04/2020, hào phóng cơ chế khuyến khích chỉ dành cho Đối tượng 1 và đối tượng thứ 2. Tuy nhiên khi ban hành QĐ tại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và thời gian thực hiện trong FIT 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đều có lý do để ban hành. Chúng ta không bàn đến việc này.
Đối với Điện Mặt Trời áp mái:
– Giá FIT 2 ban hành 8,38 cent có thể xem là giảm không đáng kể , có thể đầu tư tốt và có hiệu lực từ ngày 22/05/2020 coi như cũng đã giải tỏa cơn khát về bài toán giá và thanh toán tiền điện với các công trình thực hiện sau ngày 30/6/2019.
– Các công trình áp mái dưới 1 MW cũng chung cảnh ngộ như Đối tượng 3 của dự án Farm. Tuy nhiên vẫn có thể kịp thời gian trước 31/12/2020 nếu mục “Tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống Điện Mặt trời áp mái phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn xây dựng, đảm bảo môi trường, an toàn PCCC theo quy định hiện hành” được tận dụng từ cấp xã, phường, quận, huyện, Thành phố khai thác (có thể hiểu rằng phải xin giấy phép con, giấy phép cháu).
Đơn giản hai mục Năng Lượng Việt Nam phân tích ở trên. Chúng ta – cộng đồng điện Năng lượng tái tạo cần nhìn đúng thực tế QĐ 13/2020/QĐ-TTg như màu hồng; mà theo cộng đồng đang hô hào cổ vũ cũng như các bài báo đăng tải là một đột phá điện Mặt Trời tại Việt Nam. Để thực chất đột phá được, cộng đồng tham gia thị trường năng lượng tái tạo (Điện Mặt Trời) và các nhà hoạch định chính sách, tổ chức tư vấn, các hiệp hội, theo tôi cần kiến nghị chung một số nội dung cụ thể sau đây:
– Đối với điện Mặt Trời nối lưới (Farm):
+ Gia hạn: Không thể! Vì chắc chắn Chính phủ có lý do riêng
+ Cụ thể hóa rõ ràng cơ chế DPPA (sản xuất và mua trực tiếp) về giá thuê đường dây truyền tải điện và biểu mẫu hợp đồng thuê truyền tải và chi phí quản lý vận hành.
+ Đẩy nhanh việc ban hành quy định và luật cụ thể cho cơ chế đấu thầu (đấu thầu giá điện, đấu thầu quyền đấu nối…)
– Đối với điện Mặt Trời áp mái: Chuẩn bị và ban hành FIT 3 ngay sau khi giá FIT 2 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020 để đảm bảo sự tiếp nối và liên tục khuyến khích phát triển đầu tư áp mái để giải tỏa công suất tại chỗ của địa phương.”
Dẫn theo ông: Nguyễn Đức Toàn – CT.HĐQT Công ty Cổ phần Điện Sài Gòn Gia Định