Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 74/BC-BCT dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp.
Theo đó, các cơ chế khuyến khích dựa trên cơ sở của Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Về phương án phát triển nguồn điện, Quyết định 500 nêu “ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái nhà công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp”.
Bộ Công Thương cho hay, trong điều kiện cung ứng điện từ nay đến năm 2025 dự báo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực miền Bắc, việc bổ sung kịp thời các nguồn điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu có ý nghĩa quan trọng. Trong khi việc phát triển loại hình nguồn điện này còn thiếu các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách cho loại hình năng lượng này cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, ban hành theo đúng các trình tự thủ tục về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Do vậy, Bộ lựa chọn hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để thực hiện trước, dự thảo Quyết định của Bộ Công Thương cho hay.
Theo tờ trình, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện này sẽ chỉ áp dụng cho hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất các cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà như: sẽ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện.
Các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở sẽ được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện. Tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống này sẽ được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
Bộ Công Thương cho hay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện hiện nay và các giải pháp, chính sách để huy động điện mặt trời áp mái từ nhà dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, trường học, đặc biệt tại khu vực miền Bắc tại Trụ sở Chính phủ ngày 10 tháng 6 năm 2023, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4286/VPCP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ để triển khai đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng cơ chế dưới hình thức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương đã khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc xây dựng Dự thảo Quyết định. Do thời gian rất gấp, ngày 13 tháng 6 năm 2023 Bộ Công Thương đã có Công văn số 74/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo quyết định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp. Do đó chưa thể thực hiện đầy đủ các bước về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu và có ý kiến đối với Báo cáo và Dự thảo quyết định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp.
Nguồn tin: VTV.vn