Bạn Cần Biết, Kinh tế, Tin trong nước, Tin Tức & Sự Kiện

Việt Nam tham gia cam kết từ bỏ điện than

Việt Nam tham gia liên minh 190 quốc gia cam kết loại bỏ sản xuất điện từ than đá và ngừng xây mới các nhà máy nhiệt điện than, tại hội nghị COP26.

Chính phủ Anh, quốc gia dẫn đầu nỗ lực tập hợp các quốc gia cam kết loại bỏ điện than, ngày 3/11 ra tuyên bố cho biết tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, liên minh 190 quốc gia và tổ chức đã cam kết loại bỏ dần sản xuất điện từ than và ngừng xây dựng các nhà máy mới ở trong và ngoài nước. 18 quốc gia, gồm Việt Nam, Ba Lan, Chile lần đầu tham gia cam kết này.

“Tuyên bố Chuyển đổi từ Than sang Điện sạch Toàn cầu” mới, gồm các quốc gia phát triển, đang phát triển, các bên sử dụng nhiều than đá và dễ bị tổn thương về khí hậu, là dấu mốc quan trọng tại COP26 trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland hôm 1/11. Ảnh: AFP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland hôm 1/11. Ảnh: AFP.

Theo nội dung của tuyên bố, các quốc gia cam kết chấm dứt mọi hoạt động đầu tư điện than mới trong nước và quốc tế, nhanh chóng mở rộng quy mô triển khai điện sạch. Các nền kinh tế lớn sẽ loại bỏ điện than vào thập niên 2030, trong khi phần còn lại của thế giới sẽ thực hiện mục tiêu này vào thập niên 2040. Các nước cũng cam kết thực hiện chuyển đổi từ điện than sang điện sạch theo cách có lợi cho người lao động và cộng đồng.

“Hôm nay đánh dấu thời điểm quan trọng trong nỗ lực toàn cầu của chúng ta nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu khi các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới đồng lòng tại Glasgow để tuyên bố than đá không còn vai trò trong ngành sản xuất điện tương lai”, Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Anh Kwasi Kwarteng cho biết. “Hồi kết của than đá đã ở trước mắt. Thế giới đang đi đúng hướng”.

Than đá là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất và phát thải khí nhà kính từ đốt than là nguyên nhân lớn nhất gây biến đổi khí hậu. Do đó, loại bỏ dần và chuyển đổi nhanh chóng, toàn diện sang năng lượng sạch là cần thiết để đạt các mục tiêu theo Thỏa thuận Paris, gồm hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C để ngăn chặn thảm họa.

Bên cạnh đó, để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch cần tiến triển nhanh hơn 4-6 lần hiện tại.

COP26 là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất, quan trọng nhất hành tinh, được Liên Hợp Quốc tổ chức thường niên từ năm 1995, quy tụ đại diện của hầu hết các quốc gia trên thế giới thảo luận về những mục tiêu khí hậu cũng như tiến trình giảm phát thải. Những cuộc họp chính thức được gọi là “hội nghị các bên” (COP) và có hơn 190 thành viên đã ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) năm 1992 tham dự. COP26 năm nay diễn ra từ 31/10 tới 12/11.

Nguồn tin: vnexpress.net