Sau bài viết về lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam trên VietnamPlus, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu trong quá trình quản lý và tham mưu chính sách phát triển ngành điện.
(Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN)
Ngày 23/9, Báo điện tử VietnamPlus đã có bài viết phản ánh nội dung về “Theo đánh giá của Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng to lớn về điện gió, ước tính khoảng 160GW. Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi trong vòng 5-100km tính từ bờ. Từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10GW điện gió ngoài khơi.
Về thông tin nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến giao Bộ Công Thương về việc nghiên cứu trong quá trình quản lý và tham mưu chính sách phát triển ngành điện.
Trước đó, theo bài viết do báo VietnamPlus đăng tải ngày 23/9, Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới đánh giá với tiềm năng to lớn, ước tính khoảng 160 GW trong vòng 5-100 km tính từ bờ, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.
WB: Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi]
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Lộ trình Phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.”
Tại hội thảo, ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, cho hay, khi Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch.
Ngành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn.
“Tất nhiên chính phủ Việt Nam là người đưa ra các quyết định cuối cùng cho tiến trình này nhưng Đan Mạch, với tư cách là đối tác lâu dài và gần gũi với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, luôn muốn chia sẻ với Việt Nam những kiến thức, kinh nghiệm và bài học thành công thu được từ quá trình 30 năm phát triển điện gió ngoài khơi,” ông Kim Hojlund Christensen nói.
Giám đốc Hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch, Anton Beck cho biết thêm tuabin điện gió ngoài khơi là loại hình công nghệ năng lượng tái tạo mạnh nhất khi chỉ cần một tuabin 8 MW có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm cho 43.000 hộ gia đình của Việt Nam.
Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đã khởi động được một thời gian và các đối tác Việt Nam luôn khao khát thúc đẩy ngành công nghiệp này không những phát triển nhanh mà còn phải đi đúng hướng./
Theo VietnamPlus