Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023, nhưng cho đến nay, sau hơn 10 tháng vẫn chưa thể triển khai do chưa ban hành kế hoạch thực hiện. Việc chậm trễ này sẽ gây ra những hệ lụy cho an ninh cung cấp điện trong thời gian tới…
Kết luận của Thường trực Chính phủ về kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 vào cuối tháng 2/2024 nêu rõ: việc hoàn thiện kế hoạch là yêu cầu rất quan trọng, cấp bách, không được để chậm trễ, làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án và việc cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân.
NHẬN DIỆN NHỮNG RỦI RO
Theo kết luận nêu trên, Bộ Công Thương, cơ quan tư vấn lập kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, các địa phương có trách nhiệm về việc chậm hoàn thiện kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các yêu cầu tổng thể, đồng bộ, khả thi, hiệu quả và thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo điều hành có liên quan của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Thường trực Chính phủ lưu ý, kế hoạch phải bám sát các mục tiêu của Quy hoạch điện 8 đã được phê duyệt. Triển khai thực hiện kế hoạch phải bảo đảm vững chắc cung ứng đủ điện cho quốc gia và các vùng, miền theo dự báo nhu cầu điện hàng năm. Đồng thời, phải đáp ứng nhu cầu tổng thể, tối ưu, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Do yêu cầu cấp bách phê duyệt kế hoạch, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án năng lượng tái tạo tại các địa phương, bảo đảm các yêu cầu công khai, minh bạch, tổng thể, trình Thủ tướng Chính phủ trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8. Đồng thời xác định tiến độ đưa vào vận hành hàng năm các dự án trong kế hoạch để đáp ứng yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ điện hàng năm trong thời kỳ quy hoạch và hiệu quả chung trong thực hiện quy hoạch…
Tuy nhiên, trước đó, tại Tờ trình số 644 ngày 26/1/2024 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nhận diện các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện 8 gồm: cơ chế, chính sách, thực hiện đầu tư, công nghệ và các rủi ro khách quan không thể dự báo được.
Rủi ro về cơ chế, chính sách cho ngành điện được nhắc tới là chưa theo kịp xu thế phát triển, đặc biệt trong những vấn đề mới như cơ chế phát triển các loại hình nguồn điện lưu trữ, phí truyền tải, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện… Bên cạnh đó, cơ chế để thực hiện xã hội hóa đầu tư lưới truyền tải còn thiếu, dẫn tới khó triển khai. Với phát triển điện gió ngoài khơi, rủi ro được nhắc tới là thiếu khung pháp lý, cơ chế.
Đối với nhóm thực hiện đầu tư, khả năng chậm tiến độ các nguồn điện vì những quy định về an toàn môi trường, cấp phép ngày càng chặt chẽ, phức tạp; khó khăn trong đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) gắn với khả năng thu xếp vốn; chậm đầu tư hạ tầng lưới điện do hạn chế về nguồn lực, cơ chế, thủ tục kéo dài, thiếu vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ chốt trong cung ứng điện hay các dự án lưới truyền tải do tư nhân đầu tư có khả năng khó thu hút đầu tư.
Mặc dù Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp, như: xây dựng Luật Điện lực sửa đổi (gồm cả các quy định về phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư kèm giá điện…), hoàn thành trong năm 2024; cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong năm 2024; chế tài kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án điện cùng xác định trách nhiệm cụ thể trong năm 2024; cơ chế Hợp đồng Mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với việc sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh trong năm 2024-2025,… song tất cả cũng mới chỉ là dự kiến.
NGUY CƠ CHẬM TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 chưa được phê duyệt đã gây nên những lo ngại về việc đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới. Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc chậm chấp nhận và thông qua kế hoạch cụ thể để triển khai xây dựng nguồn, lưới điện cho từng năm (đến năm 2030) trong Quy hoạch điện 8 dẫn đến không có danh mục cụ thể của các dự án (chưa được nêu trong danh mục “quan trọng ưu tiên đầu tư”) để các cấp quản lý nhà nước và nhà đầu tư có cơ sở triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Đơn cử, theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng 22.400 MW điện khí hóa lỏng (LNG). Tuy các dự án đã được nêu là danh mục dự án quan trọng ưu tiên đầu tư, song đến nay mới chỉ có 2 dự án đang triển khai xây dựng ở miền Nam là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 (1.500 MW) và Hiệp Phước 1 (1.200 MW).
Vấn đề khó khăn để thực hiện các dự án điện LNG là thiếu các cơ chế phù hợp (chuyển ngang giá LNG, sản lượng điện tối thiểu hàng năm để đảm bảo hoàn vốn đầu tư); yêu cầu hệ thống hạ tầng phức tạp kiểu “chuỗi” (gồm nguồn nhập khẩu – vận chuyển LNG – cảng nước sâu – kho LNG – hệ thống tái hóa khí – nhà máy điện khí). Như vậy, bất kỳ khâu nào trong chuỗi vướng mắc, chậm trễ sẽ ảnh hưởng tới toàn dự án.
Đối với các dự án điện khí, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết để đưa một nhà máy điện khí vào vận hành, thời gian chuẩn bị đầu tư, thi công thường kéo dài 6 – 8 năm. Nhưng từ nay đến thời điểm năm 2030 chỉ còn có 6,5 năm, do đó, nếu không có các cơ chế đặc thù và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thì sẽ khó đưa vào vận hành thêm 1 dự án điện LNG nữa, chưa nói là mục tiêu 22.400 MW điện LNG vào năm 2030 hầu như bất khả thi.
Về điện gió, Quy hoạch điện 8 cũng dự kiến xây dựng 6.000 MW điện gió ngoài khơi đến năm 2030. Tuy nhiên, đây là loại hình nguồn mới và từ kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy: thời gian từ khi khảo sát địa điểm đến khi dự án vào vận hành cần từ 8 – 10 năm. Việt Nam hiện chưa có các quy định khảo sát khu vực biển để triển khai đầu tư các dự án loại này, trong khi Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa hoàn thành…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/