Bạn Cần Biết, Tin trong nước, Tin Tức & Sự Kiện

Quy hoạch điện cần xanh hơn

Hội đồng thẩm định đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 do Bộ Công thương chủ trì đã trình đề án lên Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng quy hoạch này cần có tầm nhìn xanh hơn.

Quy hoạch ngành mâu thuẫn quy hoạch vùng

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, cố vấn nhóm đối tác chuyển dịch năng lượng bền vững Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), cho biết dự thảo đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện 8-QHĐ8) của ngành điện đang mâu thuẫn với nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu có từ năm 2017 và dự thảo Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tích hợp ĐBSCL).

Cụ thể, nghị quyết 120 nêu rõ ĐBSCL cần phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên. Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển. Các nhà khoa học tham gia quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã nhiều lần đề xuất không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới tại ĐBSCL nhưng QHĐ8 lại bổ sung khoảng 5.000MW vào sau năm 2030 với ba nhà máy: nhiệt điện Sông Hậu II, Long Phú II và III trong khi tiềm năng về năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối khai thác rất ít.

Trong báo cáo 843 trang của QHĐ8, tiềm năng điện mặt trời là 434GW, trong đó điện mặt trời mặt đất là 309GW, điện mặt trời mặt nước là 77GW, điện mặt trời mái nhà là 48GW. Dự kiến đến năm 2030, điện mặt trời đạt 18,6GW, chiếm 4% tổng tiềm năng hiện tại và chỉ tăng 2GW trong 10 năm tới. Đến năm 2045, điện mặt trời đạt 55GW, bằng 13% tiềm năng và dự thảo chưa đánh giá tiềm năng của điện mặt trời khi kết hợp thủy sản, chăn nuôi. Với điện gió, QHĐ8 dự kiến công suất điện gió năm 2030 là 15,2GW, chiếm 4% tiềm năng và năm 2045 là 55,4GW, chiếm 17% tiềm năng.

Theo ông Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), nếu tận dụng được các tiềm năng này, ĐBSCL không cần phát triển nhiệt điện than mới và có thể xuất khẩu điện sang Campuchia. QHĐ8 vẫn xem nhiệt điện than là nguồn năng lượng cơ bản đến năm 2050, theo các chuyên gia, như vậy là thiếu tầm nhìn dài hạn và ngược với các xu thế quốc tế, trong đó có cam kết về giảm phát thải khí CO2 của Việt Nam tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu 2015 (COP 21).

Tăng thêm điện gió ngoài khơi

Ông Đặng Quốc Toản, giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng dầu khí châu Á (Asiapetro), nhận xét trong QHĐ8, đến năm 2030 điện gió ngoài khơi chiếm khoảng 2-3GW là quá nhỏ so với tiềm năng. Ông kiến nghị cần quy hoạch từ 10-20GW (năm 2030) và 40-80GW (2045) như kịch bản triển vọng năng lượng mà Việt Nam đưa ra cuối năm 2019.

Trong tương lai, điện gió ngoài khơi là nguồn điện chủ lực lớn nhất của năng lượng tái tạo vì những lợi thế đặc biệt như số giờ phát điện cao, ổn định với hơn 4.500 giờ/năm, chỉ tiêu năng suất (capactity factor) 50-60% – cao hơn hoặc tương đương thủy điện.

Tầm nhìn xanh, giải pháp xanh

Sự bùng phát của điện mặt trời trong hai năm qua cho thấy sự năng động nhất định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá tình trạng thừa điện từ năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2021 nên phải cắt giảm từ 180,6 – 400 triệu Kwh mỗi tháng.

Vì vậy cần khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện trong giờ cao điểm. Các nhà máy, xí nghiệp cần được khuyến khích bằng công cụ giá để tăng cường hoạt động vào ban ngày, nhằm tận dụng điện mặt trời.

Ngoài ra, phát triển thêm điện gió và điện sinh khối với quy mô phân tán cũng như điều chỉnh lại cơ cấu những ngành nghề tiêu tốn nhiều năng lượng để tránh phụ thuộc vào nhiệt điện than.

Liên minh Năng lượng Việt Nam, các tỉnh có quy hoạch nhiệt điện than và Đại sứ quán Đan Mạch đề nghị không phát triển thêm các dự án điện than mới trong QHĐ8, nhất là trong 10 năm tới. Cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.

Nhưng đơn vị lập quy hoạch cho rằng các nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch giai đoạn 2021 – 2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng, không thể loại bỏ.

Bà Melissa Brown, giám đốc nghiên cứu tài chính năng lượng, khu vực châu Á của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), nhận định QHĐ8 của Việt Nam vẫn đề cao điện than và điện khí.

Trong khi tốc độ chuyển dịch năng lượng nhanh chóng diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Các bên ủng hộ nhiệt điện than thường lập luận rằng năng lượng tái tạo và pin lưu trữ không thể thay thế được nguồn công suất nhiệt điện than trong lộ trình, không thể cạnh tranh được về giá với nhiệt điện than.

Tuy nhiên, lập luận này đang giả định sai rằng năng lượng tái tạo và cách triển khai nguồn điện này sẽ không thay đổi trong tương lai.

 Theo Công ty nghiên cứu Lazard (trụ sở tại Mỹ), giai đoạn 2009 – 2020, chi phí sản xuất của nhiệt điện than không thay đổi trong khi chi phí sản xuất điện mặt trời đã giảm 90% và điện gió giảm 70%.

Chi phí sản xuất điện tái tạo liên tục giảm nhanh chóng, nằm ngoài mức dự đoán của các chuyên gia và tổ chức nghiên cứu toàn cầu. Do đó, mức độ thay đổi của thị trường điện trên thực tế đã khác nhiều so với phương án được đưa ra trong QHĐ8.

Tốc độ thâm nhập thị trường của năng lượng tái tạo và pin tích trữ trong hai năm vừa qua trên thế giới cho thấy những công nghệ mới cạnh tranh về giá có thể thay đổi cấu trúc thị trường nhanh chóng. Không công nhận điều này, ngành điện có thể đối mặt với nguy cơ bị trói chặt vào một hệ thống điện cứng nhắc và mang lại gánh nặng tài chính lâu dài cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Để giảm rủi ro, Việt Nam nên tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng một hệ thống điện linh hoạt và củng cố lưới điện. Rủi ro đi kèm của nhiệt điện cần được đánh giá đúng đắn và giảm thiểu sự phụ thuộc vào các dự án nhiệt điện than mà tiến độ triển khai thường xuyên bị chậm, bị phản đối và khó khăn tìm kiếm nguồn tài chính.

“Các nhà quan sát rất ngạc nhiên khi thấy dự thảo QHĐ8 tiếp tục giữ lại rất nhiều dự án nhiệt điện than trong lộ trình phát triển. Các dự án nhiệt điện than, tưởng là rẻ, thực sự đã không mang lại kết quả như các nhà quản lý mong đợi. Công nghệ nhiệt điện than đã trưởng thành và không còn dư địa để tiếp tục cải thiện về chi phí.

Nhiệt điện khí sử dụng khí tự nhiên nhập khẩu cũng không khá hơn. Các ý kiến ủng hộ loại hình này có xu hướng đánh giá thấp chi phí xây dựng các hạ tầng đi kèm như trạm tái hóa khí, bồn chứa, đường ống dẫn khí, thiết lập thị trường và bỏ qua các rủi ro địa chính trị khiến chuỗi cung ứng và giá cả giao động với biên độ lớn”, bà Brown đánh giá.

Ngày 10-3-2021, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết về cơ chế điều chỉnh carbon từ hàng nhập khẩu của EU (CBAM) để tương thích với WTO với 444 phiếu thuận, 70 phiếu chống và 181 phiếu trắng.

Trong tương lai, châu Âu hoàn toàn có thể đánh thuế carbon với hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là ngành tôm nếu có sử dụng điện từ nhiệt điện than. Liên minh châu Âu ngày càng tập trung vào các chính sách có thể dẫn đến việc đánh thuế hàng hóa nhập khẩu dựa trên mức độ phát thải carbon trong quá trình sản xuất. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư phải chuẩn bị để thích nghi với các chính sách này.

Nguồn tin: cuoituan.tuoitre.vn

Related Posts