EuroCham nhận định, ngày càng có nhiều tập đoàn toàn cầu muốn trực tiếp mua năng lượng tái tạo từ các nhà sản xuất điện độc lập tại Việt Nam.
Phân tích rõ hơn về hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) – tức thỏa thuận trực tiếp giữa bên sản xuất điện và bên có nhu cầu mua điện về việc mua bán điện mà không thông qua các công ty điện lực của EVN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, ngày càng có nhiều tập đoàn toàn cầu có nhu cầu về điều này.
Ngày càng có nhiều tập đoàn toàn cầu muốn trực tiếp mua năng lượng tái tạo từ các nhà sản xuất điện độc lập tại Việt Nam |
Các tập đoàn cũng đã thể hiện sự quan tâm của mình trong việc mua năng lượng tái tạo thông qua DPPA được đề xuất và sản xuất năng lượng sạch của riêng họ trong các nhà máy điện với hệ thống quản lý tài sản năng lượng bằng chương trình lưu trữ “sau công tơ điện” có quy mô lớn hơn. Sự chắc chắn trong việc đảm bảo cung cấp “năng lượng xanh” giúp giải quyết nhu cầu đáp ứng các mục tiêu của doanh nghiệp và nhu cầu của nhà đầu tư.
Cũng theo EuroCham, mục tiêu “100% năng lượng sạch” là đầy thách thức. Tuy nhiên, đây là mục tiêu đã trở nên phổ biến đối với các công ty trên toàn cầu, bao gồm cả những công ty thuộc “Nhóm RE100” – những tập đoàn lớn có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu và đã cam kết thực hiện các hoạt động có ích cho môi trường và xã hội.
“Để hỗ trợ các sáng kiến này, chúng tôi hoan nghênh việc thực hiện ngay Đề án thí điểm DPPA với các tiêu chí phù hợp và thiết lập một quy trình hiệu quả để lựa chọn dự án thí điểm và giảm bớt gánh nặng pháp lý cho các công ty muốn triển khai các nhà máy năng lượng sạch “sau công tơ điện”. Cả hai biện pháp này sẽ giúp từng công ty riêng lẻ đạt được mục tiêu cung cấp năng lượng sạch 100% của riêng mình”, EuroCham cho biết.
Đặc biệt, EuroCham cũng nhìn nhận, điện mặt trời mái nhà có nhiều vai trò trong tiến trình phát triển năng lượng của Việt Nam và cơ chế DPPA có thể mang lại sự đảm bảo cho điều đó hơn. Khả năng triển khai các hệ thống điện mặt trời mái nhà (có thể được kết nối với lưới điện và “điện sau công tơ” (behind the meter), cho phép việc tiêu thụ điện được linh hoạt hơn tùy thuộc vào nhu cầu năng lượng của địa phương/vùng miền hoặc nhu cầu thực tế của người tiêu thụ điện, ví dụ ở cấp độ công nghiệp.
Trước đó, bà Suij Kang, Chủ tịch Liên minh Năng lượng sạch Châu Á Việt Nam cho biết, các tập đoàn đa quốc gia như Google, Samsung, Nike… đều đang hướng tới sử dụng năng lượng xanh, có nhu cầu kết nối mua trực tiếp với nhà sản xuất điện sạch. Theo đó, hợp đồng DPPA ra đời được kỳ vọng sẽ có ý nghĩa quan trọng để các tập đoàn lớn đẩy mạnh quá trình phát triển năng lượng tái tạo.
Về lý thuyết các đặc điểm làm cho cơ chế mua bán điện trực tiếp thành công, bà Suij Kang nhấn mạnh, đó là tính minh bạch, cơ chế định giá tổng thể rõ ràng, đặc biệt trong một thị trường còn độc quyền. Hợp đồng mua bán điện cần có sự tham gia nhiều bên, làm sao giúp thị trường cạnh tranh hơn.
“Chính phủ đưa ra ưu đãi thuế, hoặc những hình thức chính sách khác để có cơ chế giá tốt cho cả người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo khả năng thu hồi chi phí tốt cho nhà sản xuất”, bà Suij Kang chia sẻ.
Trong năm 2023, Bộ Công Thương cũng cho hay, khi khảo sát 95 dự án năng lượng tái tạo thì có 24 dự án muốn mua bán điện trực tiếp, không qua EVN; 17 chủ đầu tư khác đang cân nhắc về khả năng tìm, ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng.
Bên cạnh cơ chế DPPA, EuroCham cho rằng, nếu không có đầu tư tư nhân, việc nâng cấp lưới điện và cơ sở hạ tầng truyền tải mới có thể sẽ bị trì hoãn. Một cơ chế rõ ràng cho phép các nhà phát triển dự án đầu tư trực tiếp vào mạng lưới truyền tải sẽ giảm bớt áp lực tài chính cho EVN và mang lại sự chắc chắn để họ yên tâm thực hiện dự án. Điều quan trọng là cần có sự tham gia của EVN để đảm bảo quy định về lưới điện phù hợp và hệ thống điện trên quy mô rộng lớn hơn được cung cấp với chất lượng yêu cầu và ở định dạng mà EVN có thể quản lý hiệu quả và đáng tin cậy.
Nguồn tin: vnbusiness.vn