Kinh tế, Tin Tức & Sự Kiện

Vì sao Việt Nam phải nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc?

Theo Bộ Công thương, Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, từ Trung Quốc khoảng 4 triệu kWh/ngày, tổng sản lượng điện nhập khẩu đang chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ.

Việt Nam phải nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc thì “có buồn không? Tại sao lại như vậy” trong khi trong nước vẫn thừa điện, nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xong chưa được huy động, hòa lưới điện.

Bộ Công thương lý giải vì sao phải 'nhập khẩu điện' từ Lào, Trung Quốc? - Ảnh 1.
Sản lượng điện nhập khẩu chiếm tỷ trọng không đáng kể so với nhu cầu tiêu thụ điện hiện nay

Vấn đề này được đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, phát biểu trong phiên thảo luận tổ kỳ họp Quốc hội ngày 25.5, tiếp tục được nhiều cơ quan báo chí “chất vấn” Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An tại cuộc gặp gỡ thông tin về nguồn cung điện trong mùa khô năm nay. Cuộc gặp diễn ra chiều 26.5, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, Việt Nam đang có đường dây liên kết, nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào. Tuy nhiên, sản lượng điện nhập khẩu của Việt Nam hiện nay là “tương đối nhỏ”. Cụ thể, nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, nhập từ Trung Quốc khoảng 4 triệu kWh/ngày.

“Nếu so sánh riêng với mức tiêu thụ điện ở miền Bắc hàng ngày khoảng 450 triệu kWh thì tổng phần điện nhập khẩu có tỷ trọng rất nhỏ”, ông An nói.

Đại diện lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, Việt Nam cũng có điện xuất khẩu, cụ thể là bán điện qua Campuchia và nguồn điện nhập khẩu hiện nay không hẳn là do thiếu điện nên phải nhập khẩu. Vì từ năm 2005, Việt Nam đã mua điện từ Trung Quốc qua các cửa khẩu ở Lào Cai và Hà Giang.

Đối với điện nhập khẩu từ Lào (đa số là thủy điện), ngành điện đang thực hiện theo chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam – Lào. Theo lộ trình, đến năm 2025, Việt Nam sẽ nhập khẩu điện từ Lào sản lượng 3.000 mW và nâng lên 5.000 mW vào năm 2030.

Ông An cho rằng, nguồn điện nhập khẩu hiện nay là phần để mở rộng hợp tác quốc tế và cơ bản dựa trên mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia láng giềng, đây cũng là một phần trong cam kết kết nối mạng lưới điện các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

“Trong tương lai, xuất nhập khẩu điện của Việt Nam sẽ còn được mở rộng vì tại Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN gần đây, các nước đã đặt vấn đề kết nối mạng lưới điện liên thông ASEAN”, ông An nói.

Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng An nhấn mạnh, nguồn cung điện từ các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) hiện nay đã chiếm thị phần quan trọng, chiếm khoảng 1/9 tổng nguồn cung. Các nhà máy điện gió, điện mặt trời đang vận hành với 46% công suất nhưng sản lượng điện huy động trung bình mỗi ngày khoảng 100 triệu kWh. Trong khi đó, Việt Nam đang còn nhiều nhà máy đang chờ phát điện.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công thương, đến ngày 26.5 đã có 52/85 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp nộp hồ sơ cho EVN để đàm phán giá điện. Trong số này, 16 dự án đã có kết nối với lưới điện quốc gia, đang tiến hành thí nghiệm, thử nghiệm; trong đó 5 nhà máy đảm bảo đầy đủ điều kiện, hồ sơ pháp lý, sẵn sàng vận hành thương mại, phát điện lên lưới.

Đối với các dự án đã nộp hồ sơ đàm phán theo giá tạm, ngày 25.5, Bộ Công thương có văn bản gửi EVN đề nghị khẩn trương ký hợp đồng mua bán điện, rà soát các thủ tục để sớm đưa các nhà máy này đi vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia.

Nguồn tin: Báo Thanh niên