(PLO)- 66 năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên ngành điện đã tận tâm tận lực, gắn bó với nhân dân, đồng hành cùng đất nước cả trong chiến tranh cũng như trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội.
Nhân dịp 66 năm ngày truyền thống ngành điện lực Việt Nam (21-12-1954 – 21-12-2020), Pháp Luật TP.HCM điểm lại 10 thành tựu nổi bật của ngành điện giai đoạn 2010-2020:
1. Đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân với chất lượng ngày càng cao.
Giai đoạn 2010 – 2020, điện thương phẩm tăng trưởng với tốc độ cao, từ 85,4 tỉ kWh năm 2010 lên khoảng 225,4 tỉ kWh năm 2020; tốc độ tăng trưởng bình quân 9,66%/năm, gấp khoảng 1,6 lần so với tăng trưởng GDP. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế, với sứ mệnh điện “đi trước một bước”.
2. Hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo trong đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện.
Tổng vốn đầu tư hệ thống điện trong giai đoạn 2010 – 2019 là 1 triệu tỉ đồng, gấp 4 lần so với giai đoạn 2000 – 2009. Về lưới điện, EVN đã hoàn thành đóng điện 1.936 công trình từ 110 – 500 kV với tổng chiều dài đường dây 8.290 km. Đến hết năm 2020, hệ thống lưới điện quốc gia đã vươn tới mọi miền của đất nước.
Về nguồn điện, EVN đã đưa vào vận hành 21 dự án với tổng công suất 17.120 MW. Từ chỗ chỉ có 31,5 MW công suất năm 1954, đến hết năm 2020 tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia ước tính đạt trên 61.000 MW.
3. Tỉ lệ tổn thất điện năng của hệ thống điện Việt Nam đã tiệm cận mức các quốc gia tiên tiến của thế giới.
Tỉ lệ tổn thất điện năng toàn EVN đã giảm từ 10,25% (năm 2010) xuống 6,5% vào năm 2020, tiệm cận với mức tổn thất điện năng của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
4. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo.
Đến cuối năm 2020, EVN đã đưa điện tới 100% số xã và 99,54% số hộ dân có điện. EVN hoàn thành tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo…
5. Tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật điện, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
EVN ứng dụng công nghệ mới vào vận hành hệ thống điện.
Hiện nay, cơ khí điện lực Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất các sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ cao như: các máy biến áp 220 kV, 500 kV, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500 kV. Đến cuối năm 2020, EVN đã đưa vào vận hành các trung tâm điều khiển từ xa tại 707 trạm biến áp 220 – 110kV… Dự kiến đến 2025, EVN cơ bản hoàn thành chuyển đổi doanh nghiệp số.
6. Sáng tạo và đổi mới liên tục trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng ngày càng hiện đại và thân thiện.
EVN là đơn vị đầu tiên triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc vào năm 2015. Năm 2016, EVN đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi hình thức thu tiền điện tại nhà sang thu tiền qua điểm thu tập trung, các tổ chức trung gian thanh toán… EVN hoàn thành đưa 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối cổng dịch vụ công quốc gia. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.
7. Thực hiện tốt quá trình đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.
EVN hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp không liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính hoặc lĩnh vực nhà nước không cần nắm chi phối. Tập đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh các năm qua cơ bản đều có lãi.
8. Năng suất lao động của toàn tập đoàn duy trì tăng hàng năm.
Giai đoạn 2016-2020, EVN đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động từ 8-10%/ năm.
9. Công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong EVN luôn được chú trọng và thực hiện tốt.
Điện mặt trời Đa Mi (Bình Thuận) – Điện mặt trời nổi đầu tiên ở Việt Nam do EVN quản lý.
100% các công trình, dự án nhà máy điện thuộc EVN đang hoạt động đều đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi vận hành. Các nhà máy điện đều lắp đặt đầy đủ các hệ thống xử lý môi trường nước thải và khí thải; đầu tư các hệ thống quan trắc tự động…
10. EVN luôn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng qua nhiều hoạt động an sinh xã hội được thực hiện từng năm.
Giai đoạn 2010 – 2019, toàn EVN đã thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội với tổng giá trị hơn 1.000 tỉ đồng. Trong 5 năm gần đây, EVN còn tổ chức định kỳ tháng tri ân khách hàng (tháng 12) với nhiều hoạt động thiết thực: sửa chữa, thay mới và lắp đặt miễn phí đường dây cho các hộ gia đình nghèo và gia đình chính sách trên toàn quốc…
EVN áp dụng QR code trong hóa đơn điện Từ tháng 1-2021, QR code sẽ gắn liền với mỗi khách hàng, được áp dụng trên hồ sơ khách hàng, trên hóa đơn tiền điện và thông báo tiền điện. Khách hàng chỉ cần quét mã QR và nhập số tiền, giao dịch thanh toán sẽ hoàn thành nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi. |
Theo plo.vn